27/09/2019
Phát huy hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Sóc Trăng
Hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử. Qua đó, giúp các đơn vị, cơ quan nhà nước giảm thiểu được các áp lực công việc, giải quyết được các công việc nhanh hơn, thuận tiện hơn và khoa học hơn; đồng thời, người dân có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, thì “Dịch vụ công trực tuyến” là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính (TTHC) và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó; dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu; hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là dịch vụ trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, Cổng dịch vụ công trực tuyến đã được xây dựng hoàn tất vào năm 2017 (website: dichvucong.soctrang.gov.vn). Các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tối thiểu ở mức độ 2. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch 128/KH-UBND ngày 26/12/2018 của UBND tỉnh Sóc Trăng về thực hiện cải cách hành chính năm 2019, các đơn vị, địa phương đã đẩy nhanh tiến độ, lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cơ quan hành chính nhà nước; duy trì Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh; mở rộng và nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3.
Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Sóc Trăng
Tính đến quý III năm 2019, tổng số TTHC của tỉnh cung cấp là 1.801 thủ tục; trong đó, tổng số dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp mức độ 2 là 1.092 dịch vụ, mức độ 3 là 525 dịch vụ (năm 2018 là 329 dịch vụ) và mức độ 4 là 184 dịch vụ (năm 2018 là 176 dịch vụ). Qua đó cho thấy, số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 đã được tăng lên đáng kể so với năm 2018, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, hướng đến hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.
Ngoài ra, hệ thống phần mềm một cửa điện tử kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được liên thông đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã và sẵn sàng kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công của Chính phủ, tạo nên hệ thống tập trung, thống nhất để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thông qua môi trường mạng Internet và luân chuyển hồ sơ, thủ tục hành chính liên thông trên môi trường mạng trên phạm vi toàn tỉnh cũng như hỗ trợ, tăng cường sự quản lý, theo dõi việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được kịp thời, nhanh chóng.
Việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến giúp cho người dân, doanh nghiệp có được thông tin ngắn gọn, rõ ràng nhất về thành phần hồ sơ, trình tự, thời gian và cách thức thực hiện cho mỗi loại thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đây cũng là phương tiện để người dân, doanh nghiệp góp ý, phản ánh, kiến nghị, nhằm chung tay cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng trong phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện một cách tự động hóa quy trình ISO để giảm thời gian thao tác thủ công, tăng năng suất làm việc; giúp cơ quan, đơn vị công khai minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình; giúp các cấp lãnh đạo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện công tác quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.