Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Sáng ngày 30/12, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo các cấp để nghe báo cáo về tình hình triển khai xây dựng nhà ở trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm trao đổi, hướng dẫn những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Hội nghị được kết nối từ tỉnh đến cấp huyện và các xã, phường, thị trấn.
Dự tại điểm cầu Hội trường Văn phòng HĐND và UBND huyện có các đồng chí: Lê Vũ Đức – Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện; Trần Minh Thử - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy; Nguyễn Thanh Trong – Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; các thành viên ban chỉ đạo và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện.
Ảnh: Quang cảnh hội nghị
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, qua tổng hợp sơ bộ, toàn tỉnh dự kiến hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho khoảng 8.452 hộ, với tổng nhu cầu kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh hơn 445 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ nhà ở cho người có công 845 hộ, với tổng kinh phí thực hiện hơn 37 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo 6.726 hộ, tổng kinh phí thực hiện hơn 365,7 tỷ đồng (từ nguồn Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng và nguồn huy động thông qua Quỹ Vì người nghèo của tỉnh); hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 479 hộ, kinh phí dự kiến hơn 28,7 tỷ đồng.
Bên cạnh các nguồn lực từ ngân sách Trung ương và nguồn quỹ của cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh Sóc Trăng cần phải huy động thêm hơn 106,7 tỷ đồng để đảm bảo mục tiêu xóa nhà tạm cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Đây là vướng mắc lớn trong thực hiện, do Sóc Trăng là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn khoảng 729 trường hợp chưa có đất ở, hoặc đất ở chưa đủ các điều kiện cần thiết để xây dựng nhà ở theo quy định.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ngành đã báo cáo kế hoạch vận động và tiếp nhận kinh phí ủng hộ; việc ban hành hướng dẫn và phối hợp địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến đất; tình hình thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình để triển khai hỗ trợ các đối tượng thuộc chương trình; hướng dẫn lồng ghép, chuyển và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa nhà ở thuộc chương trình. Ban chỉ đạo cấp huyện cũng báo cáo tiến độ thực hiện triển khai, những khó khăn, vướng mắc ở địa phương và đề xuất một số giải pháp để triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Bí thư Tỉnh ủy gửi lời tri ân sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã quan tâm và đồng hành hỗ trợ địa phương trong thời gian qua. Đồng thời, hoan nghênh những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tích cực hưởng ứng, hỗ trợ cho người nghèo, người còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm và đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thương người như thể thương thân”, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người có công, người nghèo, người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau.
Riêng tại huyện Kế Sách tính đến ngày 27/12/2024, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Kế Sách đã tiến hành rà soát các đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở, bao gồm người có công, hộ nghèo và cận nghèo. Kết quả có 1.991 hộ cần được hỗ trợ, trong đó 1.579 hộ cần xây mới và 412 hộ cần sửa chữa.
Trong đợt 1, huyện triển khai xây dựng 377 căn với tổng kinh phí 22,62 tỷ đồng. Nguồn tài trợ bao gồm 12 tỷ đồng và nguồn vận động từ huyện 10,62 tỷ đồng. Đến nay, đã khởi công xây dựng 212 căn, với tổng kinh phí thực hiện là 12,72 tỷ đồng.
Để triển khai đạt hiệu quả tốt nhất và đảm bảo tiến độ đề ra, Ban Chỉ đạo huyện rà soát, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Ban Chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn sớm hoàn chỉnh hồ sơ nhà ở cho các nhóm đối tượng; đẩy mạnh công tác vận động và tiếp nhận nguồn kinh phí tài trợ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài huyện ủng hộ Quỹ xóa nhà tạm của huyện, để kịp thời triển khai thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện./.