Dự hội nghị có các đồng chí: Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Tô Ái Vang - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Kim Hùng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Sóc Trăng; Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; đại diện các sở, ngành tỉnh; các tổ chức tín dụng và đông đảo doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: H.LAN
Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh liên tục 04 lần giảm, với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tỷ giá, tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Tại tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 30/9/2023, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 55.920,8 tỷ đồng, tăng 5.025,4 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tỷ lệ tăng 9,87% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,58%, cùng kỳ năm 2021 tăng 4,43%). Hiện nay số doanh nghiệp có quan hệ vay vốn với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 1.144/3.759 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, chiếm 30,4% số doanh nghiệp toàn tỉnh, các tổ chức tín dụng đã giải ngân được 22.682 tỷ đồng, dư nợ đạt 18.220,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,58%/tổng dư nợ, tỷ lệ tăng 18,87% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 giảm 2,93%). Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 34 doanh nghiệp với dư nợ được cơ cấu là 391,7 tỷ đồng. Đã miễn, giảm lãi cho 02 doanh nghiệp với số tiền 300 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất 02% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN với số tiền lãi được hỗ trợ 6,13 tỷ đồng…
Chủ tọa hội nghị. Ảnh: H.LAN
Tại hội nghị, các doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn vay, như: cơ chế, điều kiện giải ngân vốn vay; hợp đồng vay vốn quá nhiều điều khoản, gây khó khăn, lo lắng cho doanh nghiệp khi vay vốn; vốn trung hạn cho sản xuất nông nghiệp (nuôi tôm) định ở mức quá thấp, doanh nghiệp không đủ nguồn vốn để đầu tư; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không sát thực tế; phí bảo lãnh tín dụng ở mức cao… Qua đó, các doanh nghiệp đề nghị, hợp đồng vay vốn phải có từ ngữ dễ hiểu, ngắn gọn để doanh nghiệp yên tâm khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Kéo dài thời gian triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực thủy sản, lâm sản. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tỷ giá và lãi suất cho vay, để chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Trong xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải dựa trên thực tiễn, xem doanh nghiệp vướng đâu, gỡ đó thì chính sách mới thực chất và trợ lực hiệu quả cho doanh nghiệp. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngân hàng lớn xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho ngành tôm của địa phương phát triển. Quan tâm hỗ trợ giải quyết các thủ tục pháp lý nhanh chóng, giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Hoàng Nghiệp cho rằng, Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp rất thiết thực, ý nghĩa, là cơ hội để cùng nhau tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận những đóng góp của các ngân hàng thương mại, cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển chung của tỉnh; đồng thời chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp và đề nghị doanh nghiệp tiếp tục có ý kiến bằng văn bản, để các sở, ngành tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết, nội dung nào vượt thẩm quyền, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương xem xét.
Qua đó, đồng chí đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, các sở, ngành tỉnh trong thời gian tới phải chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, nhất là vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi với thủ tục hành chính đơn giản. Các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên các chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình hỗ trợ giảm 02% lãi suất, chương trình phục hồi kinh tế… tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững./.
H.LAN