30/11/2023
Hội nghị chuyên đề thúc đẩy cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp và chế biến trong các Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng, năm 2023
Sáng ngày 30/11/2023, tại Trung tâm hội nghị Toàn Thịnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị chuyên đề thúc đẩy cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp và chế biến trong các Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng, năm 2023. Đến dự có đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Phạm Chí Nguyện - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng. Cùng tham dự có GS. TS Võ Tòng Xuân - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại Học An Giang; lãnh đạo Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam; lãnh đạo phòng kinh tế, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
xem các máy phục vụ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: THÚY LIỄU
Tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 1.241 tổ hợp tác, với 29.592 thành viên, trong đó, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 1.219 tổ hợp tác (chiếm trên 98%), lĩnh vực phi nông nghiệp là 22 tổ hợp tác. Về hợp tác xã có 227 hợp tác xã, với 30.184 thành viên, trong đó, có 204 hợp tác xã nông nghiệp chiếm gần 90%, vốn điều lệ hơn 50 tỷ đồng. Có 04 hợp tác xã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể; 27 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; 09 hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, ASC. Thông qua số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã của tỉnh lớn nên việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho nông hộ nói riêng, cho tỉnh nói chung.
Theo đó, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất và hiệu suất lao động. Máy móc và thiết bị nông nghiệp có thể thực hiện công việc nhanh chóng và chính xác hơn so với lao động thủ công, giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng, giúp giải quyết vấn đề khó khăn về lao động như hiện nay. Cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp giúp tăng cường độ chính xác và kiểm soát trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng máy móc nông nghiệp tiên tiến giúp tối ưu hóa việc quản lý và kiểm soát, từ chăm sóc cây trồng, thu hoạch đến xử lý sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm nông nghiệp. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có thể giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, giảm phát thải ô nhiễm và tác động tiêu cực lên môi trường…
Tại hội nghị đại biểu được giới thiệu một số máy động cơ phục vụ trong sản xuất nông nghiệp; giới thiệu các chính sách ưu đãi của Viettel Sóc Trăng đối với các hợp tác xã; điều kiện tiếp cận vốn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam; điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng…
Đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Sóc Trăng cho rằng, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi rất cần thiết và chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu, hay giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”. Cùng với đó, Sóc Trăng có đa dạng sản phẩm nông nghiệp đặc sản nên vấn đề áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm là rất cần thiết. Do đó, thông qua hội nghị, đồng chí mong rằng sẽ có nhiều hợp tác xã được đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến để sản xuất ra sản phẩm phong phú về chủng loại, giá trị gia tăng cao, hạ giá thành và có sức cạnh tranh trên thị trường đối với tất cả các mặt hàng do hợp tác xã sản xuất, đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả tiêu thụ sản phẩm.
Dịp này, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, Viettel Sóc Trăng và Công ty Quang Chính đã ký kết chương trình phối hợp./.
THÚY LIỄU